5 phút để hiểu tất tần tật về Công nghệ thực tế ảo VR/AR/MR/XR

Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) đang ngày càng phát triển, và trên con đường trở thành xu hướng mới cho cuộc sống hiện đại. Ngoài việc đem lại cho chúng ta những trải nghiệm tương tác mới lạ thì công nghệ này còn hứa hẹn rất nhiều tiềm năng thú vị trong tương lai. Bài viết này sẽ giải đáp tất cả những gì liên quan đến thực tế ảo và giúp bạn thật sự hiểu nó là gì.

5 phút để hiểu tất tần tật về Công nghệ thực tế ảo VR/AR/MR/XR

1. Công Nghệ Thực Tế Ảo (VR) Là Gì?

VR là một công nghệ giúp người dùng “đắm mình” vào một thế giới ảo – bằng thiết bị hỗ trợ gọi là Kính VR.
- Thông qua kính, ta có thể cảm nhận được “môi trường ảo” này 1 cách hết sức chân thật.
- Mắt ta thấy được những hình ảnh 3D trong đó - mô phỏng hoàn toàn giống những gì ta cảm nhận được từ thế giới thực.
- Chất lượng hình ảnh cao cấp, góc nhìn rộng, quan sát được tất cả mọi hướng khiến não bộ gần như bị “thôi miên” khiến cảm giác “ảo” thành “thật”.
- Tai ta nghe được âm thanh và tương tác giống như ngoài đời từ xa đến gần, từ trái sang phải.



Đó là lý do chúng ta xem những video trải nghiệm VR thấy được người chơi la hét, té ngã mặc dù bên ngoài họ chỉ đeo kính và không bị ai tác động.

2. AR, MR, XR Là Gì?

Ngoài khái niệm thực tế ảo viết tắt là VR, thì còn vài khái niệm liên quan như AR, XR, MR có thể chúng ta sẽ được nghe đến.
- Thế nó là gì?
- Tại sao lại đẻ ra lắm khái niệm thế?
- Có cần phải hiểu hết không?
=> Câu trả lời sẽ có ngay dưới đây:
 

AR (Augmented Reality): dịch ra tiếng việt là Thực tế ảo tăng cường.
Nói 1 cách đơn giản thì nó kết hợp “ảo” và “thật” lại với nhau.



Trò chơi Pokemon Go nổi tiếng, 1 thời làm mưa làm gió ai cũng đem điện thoại đi bắt là ví dụ trực quan nhất:
- Game Pokemon sẽ dùng camera điện thoại của bạn quay lại hình ảnh thực trước mắt
- Sau đó thêm những nhân vật 3D lên hình ảnh thu được.
- Nhìn qua điện thoại sẽ thấy con Pokemon trong không gian thực trước mặt.
Việc hiển thị “đối tượng ảo” lên “môi trường thực” thông qua 1 thiết bị nào đó (điện thoại, kính AR,..) thì gọi là AR – Thực tế ảo tăng cường.

MR (Mixed Reality): dịch là Thực tế ảo kết hợp.
Thật ra người ta cứ thích sinh ra nhiều khái niệm để làm khó nhau.
Nếu AR là kết hợp giữa “đối tượng ảo” và “môi trường thực”
=> thì MR là kết hợp giữa VR và AR

Cắt nghĩa dễ hiểu thì:
- VR là 100% ảo. Bạn chui vào đó rồi thì ko biết thế giới thật bên ngoài thế nào, trừ khi bạn bỏ kính ra.
- Còn AR chỉ đơn giản là thấy những “đối tượng ảo” trong thế giới thật trước mắt bạn.
=> Nếu kết hợp cả 2 thứ này, bạn sẽ có thể tương tác với cả 2 thế giới cùng lúc.



Lấy ví dụ bạn chơi game hẹn hò bằng công nghệ MR:
- Khi đeo kính thực tế ảo (có hỗ trợ MR)  để chơi game, bạn sẽ thấy 1 cô bạn gái xinh xắn (ảo) trong căn phòng thực tế của mình.
- Bạn vừa có thể tương tác “ảo” với ẻm như cùng học bài, trò chuyện, tâm sự,… vừa có thể tương tác “thật” trong căn phòng như lấy nước uống, đi vệ sinh,…
- Và hình ảnh quen thuộc sau đây trong các bộ phim bom tấn của Mỹ sẽ là cái nhìn giống nhất về MR:

(chỉ khác cái, trong phim thì không cần đeo kính haha)

XR (Extended Reality): dịch là Thực tế ảo mở rộng.
XR chỉ là một thuật ngữ tổng quát để chỉ cả VR, MR và AR và bất kỳ hình thức mở rộng nào.
Nó bao quát và chung chung quá!
Nên nếu không phải “người chuyên môn” => chúng ta cũng không cần thiết phải hiểu thực sự nó là gì.



Tuy nhiên…
Có 1 khái niệm trong XR mình nghĩ sẽ thành keyword hot trong tương lai đó là: WebXR.
- Nếu sau này VR phát triển, các thiết bị tiên tiến và giá cả hợp lý để tiếp cận người dùng phổ thông hơn => WebXR chắc chắn là là 1 xu thế tiềm năng.
- Đây là dạng website khác với những trang web thông thường bạn thấy trên máy tính hay điện thoại.
- Bạn phải đeo kính VR, và truy cập trình duyệt trên kính mới thấy được.
- Trang webXR sẽ có giao diện 3D như thể 1 màn hình siêu to khổng lồ trước mắt bạn.
- Hiện nay thì webXR rất hiếm, nếu bạn nào có kính VR rồi thì có thể truy cập thử deovr.com để trải nghiệm nhé.

3. Các Thiết Bị Hỗ Trợ Thực Tế Ảo và cách phân biệt:

Cái mà dễ nghe, gọi, đọc tên nhất - chỉ có thể là Kính VR hoặc kính AR mà thôi.
Trên thị trường thì có vài chục dòng kính trôi nổi, đủ thể loại và giá thành.



Nếu bạn là 1 người mới tìm hiểu, chắc sẽ “tẩu hỏa nhập ma” không biết đâu mà lần.
- Mua loại rẻ thì trải nghiệm cùi bắp, không như mong đợi.
- Mua loại đắt thì ko có tiền.
- Mua nhầm loại, khác với nhu cầu đang cần
-…

=> Cho nên phần tóm gọn dưới đây sẽ giúp bạn hiểu ngay loại nào phù hợp cho mình sau khi đọc xong:

Kính VR cho điện thoại:
Đây là kính VR đơn giản mà bạn có thể lấy smart phone của mình để trải nghiệm thực tế ảo.
- Loại kính này dùng chính màn hình điện thoại để xử lý hình ảnh.
- Nó chỉ có cái thấu kính nằm trong cái hộp giúp đeo vào có cảm giác 3D, chứ thật ra không có công nghệ gì phức tạp bên trong đó cả.
- Giá thành rẻ nhất trong các loại kính, dưới 1-2 triệu thậm chí rẻ hơn là bạn có thể mua.
- Tuy nhiên do phụ thuộc điện thoại nên chất lượng hình ảnh cũng hên xui. Tùy theo điện thoại bạn dùng xịn hay cùi bắp nữa.

Dòng kính này là dạng thiết bị VR đời đầu, chỉ có thể giúp bạn trải nghiệm VR ở mức cực kỳ cơ bản.
=> Recommend của mình là không nên mua, hơi chán.

Kính VR cho PC:
Đây là dòng kính mà các bạn sẽ được trải nghiệm trong các trung tâm thương mại, hoặc các địa điểm giải trí có Game thực tế ảo.
Ai mà lên Landmark 81 chắc biết trò nhảy dù bằng loại kính VR này.
- Đây là thế hệ 2.0 và là bản nâng cấp hơn nhiều so với kính VR cho điện thoại.
- Mang đến cho trải nghiệm thực tế ảo cao cấp nhất, chính xác và siêu rõ nét.
- Sở dĩ vì nó không còn đơn giản là 1 thấu kính trong hộp nữa, dòng kính cho PC được tích hợp thêm những thứ như: hệ điều hành, tay cầm, dây cáp, camera, phụ kiện các thứ… => Do đó, giá của nó so với dòng VR điện thoại khác 1 trời 1 vực.

Lúc ra mắt thì không có con nào dưới 10 củ khoai, thậm chí bây giờ vẫn 2-3 chục củ.
Tuy nhiên mình vẫn có thể mua được với giá rẻ hơn, cụ thể là dưới 10 triệu nhưng không nên.
Tại sao không nên?
- Vì để xài nó, yêu cầu bạn cũng cần có 1 bộ PC ngon lành để tương thích với kính và dòng Game trên đó.
- Đắt, cần đầu tư nhiều “lúa”.
- Chất lượng không vượt trội hơn dòng kính độc lập
- Cồng kềnh, dây nhợ tùm lum chứ cũng không thon gọn, nhẹ nhàng.
- Nói chung nó vẫn là 1 cái gì đó “xịn xò” nhưng nếu là người dùng phổ thông thì nên tham khảo loại dưới đây:

 Kính VR độc lập:
Có lẽ đây là thế hệ tiếp theo dành cho Kính thực tế ảo.

So với kính VR cho điện thoại:
- Bỏ qua yếu tố tiền bạc thì dòng VR độc lập hoàn toàn vượt trội mọi yếu tố. Không cần so sánh thêm.
So với kính cho PC:
- Về chất lượng thì cũng tương đương nhau, thậm chí còn hơn ở những phiên bản mới ra.
- Về nâng cấp thì cải tiến nhanh hơn hẳn, các công ty lớn cũng ưu tiên phát triển phân khúc Kính VR độc lập này
- Đặc biệt về giá cả thì chỉ rơi vào khoảng 5 – 1x triệu (trừ thằng Apple chơi khác người)
- Hệ điều hành độc lập trên kính. Không cần liên kết PC, phone, hay bất kỳ thiết bị nào khác. Chỉ cần đeo kính và chill trong 1 nốt nhạc
- Ngoài ra còn có thể kết nối với máy tính giống như Kính VR cho PC
- Thiết kế ngày càng tối ưu, nhỏ gọn, nhẹ nhàng,…
- Dòng kính VR độc lập đời mới còn hỗ trợ thêm AR để chơi những dòng game XR
- …

Tùy vào túi tiền, bạn có thể trải nghiệm những dòng từ bình dân đến cao cấp.
Hiện tại ở tầm giá từ 7 triệu đổ xuống, bạn có thể tham khảo những dòng sau:
- Oculus Quest 2 (hiện tại giá đã giảm đáng kể để chào đón Quest 3 ra mắt)
- Pico 4 máy cũ, bộ nhớ 128GB
- HTC Vive Focus
Thật ra còn nhiều dòng máy rẻ hơn, nhưng với mình hiện tại nó outdate quá rồi.
Muốn trải nghiệm đàng hoàng thì cứ Quest 2, Pico thôi

Và bỏ ra thêm 1 chút “tiểu học” ta sẽ có:
- Pico 4 máy mới tầm 8-9 củ
- Quest 3 trên 10 củ (do mới ra mắt)
- Pico 5 sắp ra mắt chắc cũng gần Quest 3

Riêng thằng Apple Vison giá cắt cổ, cấu hình và thiết kế xịn nhưng lại ko có game. Nói chung tạm thời loại nó khỏi cuộc chơi.
 

Kính AR:
Có vẻ hơi lạc quẻ so với hội VR ở trên, kính AR hiện tại thiên hướng về ứng dụng, học thuật, nghiên cứu hơn là tập trung mạnh vào giải trí và trải nghiệm.

  • Thời điểm hiện tại AR vẫn trên những bước đầu tiên cần hoàn thiện công nghệ, nên kính AR theo mình đánh giá chưa có nhiều đột phá và hấp dẫn.
  • Đeo kính vào, ta thấy ngay công nghệ MR trong đó. Tức là trước mắt bạn sẽ hiện thị không gian thực tế và những hình ảnh “ảo” như menu, trình duyệt web, nhân vật 3D,…
  • Do kính không thuần VR, nên cũng không có game gì đáng kể để trải nghiệm.
  • Còn để xem phim, giải trí thì dòng VR độc lập làm tốt hơn nhiều.
  • Thử qua loại kính AR top đầu thị trường là HoloLens 2.0 thì hiện tại vẫn còn nhiều nhược điểm: chức năng đơn giản, to năng, công kềnh...
  • Đặc điểm chung là kị sáng, nếu trong không gian quá sáng, việc trải nghiệm AR sẽ khó khăn, không mấy dễ chịu.
  • Chưa kể các kính VR độc lập đời mới cũng tích hợp luôn cả AR thì việc cải tiến chậm chạp của AR đang dồn phân khúc kính này vào khó khăn trong thời gian tới.

Chúng ta hãy chờ đợi thêm, và thời gian sẽ có câu trả lời.
 

4. Cuối cùng, hãy xem những ứng dụng của thực tế ảo vào cuộc sống của chúng ta nhé:


Giải trí:
Việc ứng dụng thực tế ảo đã thay đổi cách người dùng trải nghiệm giải trí đáng kể.

- Chơi game VR: Có thể nói Game trên thực tế ảo thật sự là 1 cuộc cách mạng.
Việc tạo ra 1 môi trường “ảo” hoàn toàn cho người chơi đắm chìm vào đó với “cảm giác thật”,  “độ tương tác” và “tham gia” cao hơn bao giờ hết.
Một số game nổi tiếng có thể liệt kê ra như:

  • Beat Saber: Game chủ đề âm nhạc - Nơi bạn sử dụng hai gươm sáng để đập các khối theo nhạc.
    Bạn chơi thử sẽ thấy nó chill cực kỳ, đặc biệt với những bài beat sôi động.



     
  • Các loại game bắn súng, diệt quái vật: cũng là dòng game mô phỏng góc nhìn thứ nhất (FPS – VR), nhưng trên thực tế ảo nó hấp dẫn và “thật” gấp chục lần so với mô hình click chuột + màn hình như trên PC.
    Bắn súng, di chuyển ngoài đời như nào thì trên VR sẽ y chang như vậy.



     
  • Các dòng game “XXX” cho người lớn: Cái này thì khỏi bàn, bạn có thể tưởng tượng được nó “chất lượng” như thế nào…



     

- Phim: Tương tự với game, trải nghiệm xem phim sẽ nâng lên 1 tầm cao bạn không ngờ tới.

  • Xét về định dạng VR 360 độ ta có thể tự do di chuyển góc nhìn và cảm giác cũng hay ho nhưng cơ bản nó không có độ “sâu”.



     
  • Cái “tầm cao” mà các bạn nên trải nghiệm đó là phim VR 3D 180 độ. Thường góc nhìn sẽ dao động 180 – 200 độ.
    Bù lại bạn sẽ thấy mọi thứ chân thực như nhìn sự vật tận mắt và giống như bạn đang đứng trước nó vậy.


     
  • Khác với trước đây, video VR 3D hầu như là phim người lớn, hiện nay nội dung 3D đã phong phú hơn nhiều và có thể xem trên những nền tảng như YoutubeVR, DeoVR,..
  • Từ những thước phim du lịch, khoa học viễn tưởng, sự kiện, gái xinh… đủ thể loại.

Và chắc chắn công nghệ này sẽ là định hướng cho các nhà làm phim trong tương lại.  
 

Giáo dục:
Ứng dụng thực tế ảo trong lĩnh vực giáo dục đã mang lại nhiều cơ hội đổi mới trong việc giảng dạy và học tập.

Mô hình hóa:

  • Hãy tưởng tượng việc bạn đeo 1 chiếc kính và thấy mô hình của những chi tiết máy móc phức tạp trước mắt. Nó sẽ trực quan và dễ hiểu hơn nhiều sao với trên sách vở hoặc nội dung video thuần túy.
  • Hoặc mô phỏng những bài học về vật lý, phản ứng hóa học, hình học không gian, hoặc cao siêu hơn như lĩnh vực y khoa – giải phẫu học … chắc chắn nó sẽ đem lại hiệu quả giáo dục cao và hấp dẫn học sinh/ sinh viên hơn nhiều so với cách truyền đạt hiện tại.

 

Lịch sử và văn hóa:

Nếu như có những bài giảng đưa chúng ta trở lại quá khứ, hoặc du lịch khám phá thì sẽ như thế nào.
Chắc chắn các môn như lịch sử, địa lý,… sẽ bớt nhàm chán, và còn “gây ấn tượng” sâu sắc.

Ví dụ như:

  • Chuyến du hành thời gian: Học sinh có thể tham gia vào các sự kiện lịch sử quan trọng như Thời đại nguyên thủy, Chiến tranh Thế giới hoặc Cuộc Cách mạng Công nghiệp…
  • Thám Hiểm Văn Hóa: Thực tế ảo cho phép học sinh khám phá các nền văn hóa khác nhau trên thế giới mà bình thường có thể không bao giờ trải nghiệm được trong thực tế.


     

Còn rất nhiều những ứng dụng khác vào đời sống và ta không thể kể hết. Và chắc chắn 1 điều rằng, cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo sẽ là cuộc cách mạng “thế giới ảo”.
Hãy tiếp cận thật sớm để đón đầu và trải nghiệm nhé!

 

Post a Comment